Hội Ngộ Truyền Thông 2014

Hội Ngộ Truyền Thông 2014

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

THÁNH THỂ

http://s.daminhvn.net/daminhvn/tulieubaiviet/hinhanh/chua-gie-su/Minh%20mau%20thanh.jpg

Truyện Suy Niệm Về Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Thánh Thể
 
Một hôm, người ta hỏi một em bé chín tuổi mới được rước lễ lần đầu: “Đâu là sự khác biệt giữa cây thánh giá và Mình Thánh Chúa?”. Em bé ấy đã trả lời rất hay và rất đúng rằng: “Trên cây thánh giá, người ta thấy Chúa Giêsu. Nhưng Ngài không có ở đó. Còn trong bánh Thánh, người ta không thấy Ngài, nhưng Ngài ở trong đó”. Đúng vậy, về phép Thánh Thể người ta không thể nhìn bằng con mắt xác thịt, mà chỉ có thể nhìn bằng con mắt đức tin, bởi vì đây là một mầu nhiệm đức tin, nhưng đây cũng là một mầu nhiệm của tình yêu thương. Chúng ta hãy tìm hiểu nhân ngày lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa hôm nay. Trong bữa tiệc ly, bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ vào chiều ngày thứ năm tuần thánh, Chúa đã làm một việc rất quan trọng, đó là biến bánh miến thành thịt Ngài và biến rượu nho thành máu Ngài, đồng thời Chúa truyền cho các môn đệ hãy làm như vậy để tưởng nhớ đến Ngài. Như vậy, bữa tiệc ly này đã trở thành thánh lễ đầu tiên do chính Chúa Giêsu, là linh mục tối cao, cử hành, và việc biến bánh rượu trở nên Mình Máu Ngài là bí tích Thánh Thể do Chúa thiết lập và Chúa muốn sự kiện cao quý này, tức là thánh lễ, được tiếp diễn luôn mãi qua các môn đệ của Ngài.

Vì thế, trong thánh lễ, khi linh mục lặp lại những lời của Chúa Giêsu: “Này là Mình Thầy”, “Này là chén Máu Thầy”, tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa, nhưng là Mình và Máu Chúa Giêsu. Dĩ nhiên đây là một chân lý cao siêu, vượt quá sự hiểu biết của trí khôn loài người. Bởi vì trước và sau khi linh mục đọc lời truyền phép, chúng ta có nhìn xem, đụng chạm tới hay nếm một tấm bánh chưa truyền phép và một hình bánh đã truyền phép, chúng ta chẳng thấy có gì khác nhau, hay là có đưa vào phòng thí nghiệm để phân chất, chúng ta vẫn thấy như thường về phẩm chất, khối lượng và hình thức. Tuy nhiên, theo đức tin, thì lại khác xa nhau một trời một vực: một đàng là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, một đàng là tấm bánh nhỏ bé, tầm thường. Chính vì thế, sau truyền phép, linh mục lớn tiếng công bố: Đây là màu nhiệm đức tin.

Đúng vậy, Thánh Thể là một bí tích đức tin. Nhưng cũng còn là bí tính tình yêu. Tại sao vậy? Thánh Gioan tông đồ đã viết: Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ của Ngài và đã yêu thương họ đến cùng. Yêu thương đến cùng có nghĩa là yêu thương đến tột bực. Tột bực tình yêu của Chúa Giêsu ở đây là việc lập phép Thánh Thể, để từ nay Ngài trở thành nơi gặp gỡ tình yêu giữa Ngài với chúng ta và giữa chúng ta với nhau.

Sau hết, Thánh Thể còn là bí tích của sự chia sẻ. Chúng ta biết: Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bầu khí thân tình của một bữa ăn từ giã. Tấm bánh Chúa đã cầm và phân chia cho các môn đệ cũng như chén rượu Ngài đã trao cho các môn đệ là để họ cùng ăn cùng uống trong tình huynh đệ, và chính việc chia sẻ này đã được Chúa dùng như dấu chỉ để các môn đệ làm mà nhớ đến Ngài. Cũng vậy, ý thức chia sẻ đòi buộc mỗi người chúng ta không được đóng khung những buổi cử hành Thánh Thể bên trong nhà thờ, nhưng phải sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm yêu thương ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cũng không thể cử hành Thánh Thể một cách trung thực nếu chúng ta sống dửng dưng ích kỷ, không quan tâm đến những anh chị em chung quanh. Nếu chúng ta nghèo của cải vật chất, chúng ta hãy chia sẻ, hãy cho nhau tình thương, sự thông cảm, vị tha, bác ái dưới mọi hình thức với hết mọi người.

Bí tích Thánh Thể cao quý biết bao và đem lại ơn ích biết bao nhiêu. Thế mà nhiều người vẫn còn thờ ơ hoặc chưa yêu mến cho thật đầy đủ. Được bao nhiêu người rước lễ, có người chỉ rước lễ một năm một lần. Nhiều người rước lễ không nên, hoặc không chuẩn bị đầy đủ hoặc không cám ơn đàng hoàng. Đến nhà thờ là gặp Chúa, tâm sự với Chúa, thế mà có những thái độ bất kính: nói chuyện riêng, có những cử chỉ bất kính. Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ và cố gắng sống tốt đẹp hơn.


"WHO WE ARE and WHOSE WE ARE."
 

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

THỨ NĂM (Tuần Thánh)

THỨ NĂM (Tuần Thánh)
"Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng?"
Lời Chúa: Ga 13,1-15
Suy niệm:
Có 2 cách hiểu việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ: hiểu bằng "đầu" và hiểu bằng "trái tim." Hiểu bằng "đầu" thì tương đối dễ; còn hiểu bằng "trái tim" thì không dễ chút nào! vì nó đòi hỏi người ta phải sống khiêm tốn và phục vụ anh em như tôi tớ. Hiển nhiên là Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu bằng "trái tim" bài học rửa chân.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thích được người khác hầu hạ hơn là hầu hạ người khác; chúng con ưa đưa mình lên hơn là hạ mình xuống. Xin Chúa ban cho chúng con tinh thần và cách sống của Chúa, để chúng con trở thành môn đệ đích thực của Chúa.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

MÁU THÁNH

MÁU THÁNH
Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy (Ga. 6,56).
Dọc theo lịch sử cứu độ, chúng ta nhận biết các lễ hy sinh đền tội là việc sát tế, hiến tế và lễ toàn thiêu. Tất cả các lễ dâng bằng máu chiên bò thì không xóa hết tội lỗi. Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa Cha là sự hiến tế chính Con Một của Người. Chúng ta biết máu chính là nguồn của sự sống. Của lễ hy tế đổ máu của Đức Kitô hiến dâng trên thập giá một lần là đủ cho tất cả. Thơ gởi tín hữu Do-thái viết: Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta (Dt. 9,12).
Ngày xưa, của lễ hy sinh mà Thiên Chúa đòi hỏi tổ phụ Abraham là hiến dâng mạng sống chính con một của mình. Của lễ hiến dâng này không phải để đền tội, nhưng để tỏ lòng tin tưởng vào Thiên Chúa độc nhất. Ông Abraham đã tuyệt đối vâng lời và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ông Abraham lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai Ixaác, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi (Stk. 22,6). Ông Abraham và con trai lên đường dâng tiến lễ hy sinh cho Thiên Chúa. Của lễ dâng chính là đứa con trai duy nhất. Ông đã không từ khước đứa con thừa tự yêu quí. Abraham đã dám hy sinh sát tế con của mình. Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Abraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Ixaác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Abraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình (Stk. 22,9-10). Biết lòng thành tín của ông, Chúa đã tha chết cho đứa con yêu. Chúa đã chọn ông làm tổ phụ của tất cả các người có lòng tin.
Theo nghi lễ của người Do-thái, các Thượng Tế và Thầy Cả đại diện dân giết các con vật làm lễ hiến dâng để đền tội. Vì giá máu là giá của mạng sống. Mạng sống của các con vật được dùng để thế mạng sống cho con người. Sách Lêvi đã dậy rằng: Vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống (Lv. 17,11). Máu là của lễ hiến tế tinh tuyền, nên sách Đệ Nhị Luật dậy rằng không nên ăn tiết cùng với thịt con vật: Tuy nhiên, anh em phải nhất quyết không ăn tiết, vì máu là mạng sống, và anh em không được ăn mạng sống cùng với thịt (Snl. 12,23).
Máu là biểu tượng của sự cứu độ và hy sinh. Trong ngày Lễ Vượt Qua, Thiên Chúa đã cứu dân Do-thái khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập. Môisen đã ra lệnh cho mỗi gia đình chuẩn bị một con chiên tinh tuyền để sát tế. Máu của chiên sẽ được bôi lên cửa để làm dấu. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên (Xh. 12,6-7). Máu trên cửa là dấu chỉ của sự cứu thoát. Khung cửa nhà nào có dấu vết máu, thiên thần của Chúa sẽ vượt qua và không sát hại con trai đầu lòng. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập (Xh. 12,13). Máu vượt qua là giao ước Chúa đã lập để đánh dấu sự giải thoát.
Khi lưu hành trong hoang địa cũng như khi đã về miền Đất hứa, dân Do-thái tiếp tục tưởng nhớ ngày Thiên Chúa đã đoái thương cứu họ khỏi thân phận nô lệ. Nghi thức giết chiên và lấy máu rẩy trên dân chúng để thanh tẩy được truyền lại từ đời này tới đời kia: Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này."(Xh.24,8). Chúng ta biết rằng tới thời Chúa Giêsu, các thầy thượng tế vẫn tiếp tục nghi thức giết chiên bò làm hy lễ đền tội. Họ buôn bán chiên bò, đổi chác tiền bạc ngay nơi tiền đình. Họ đã lạm dụng đánh đổi giá cả và làm ô uế nơi cầu nguyện: Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ (Ga. 2,15).
Tiếp theo truyền thống của dân Do-thái, Chúa Giêsu đã lập giao ước mới qua chính máu của Ngài. Chúa không dùng máu chiên bò để hiến tế mà dùng máu thịt của chính mình làm của ăn, của uống và là lễ hy tế đền tội cho nhân loại: Đức Giêsu nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình (Ga. 6,53). Chúa Giêsu còn hứa ban cho những ai ăn và uống Máu của Ngài sẽ có sự sống đời đời: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống (Ga. 6,54-55).
Làm thế nào Chúa Giêsu có thể lấy thịt máu mình mà nuôi dưỡng mọi người. Chúa Giêsu đã chọn cách thế tuyệt hảo nhất là dùng bánh và rượu hiến dâng và thánh hiến trở thành Máu và Thịt của Ngài. Chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể. Trong bữa tiệc ly, chính Chúa đã mời gọi các môn đệ hãy làm việc này mà nhớ đến Chúa: Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội (Mt. 26,27-28). Máu Châu Báu của Chúa không chỉ nuôi dưỡng linh hồn và thần trí của chúng ta, mà còn có hiệu lực tha tội và ban ơn cứu độ. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu thành Êphêsô đã viết: Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người (Eph. 1,7).
Trong giây phút cầu nguyện trước khi chịu nạn, Chúa Giêsu đã van xin cùng Chúa Cha rằng nếu Cha muốn, Cha có thể cất chén này. Nhưng Chúa Giêsu hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha. Ngài đã lãnh chịu tất cả hình khổ để đi trọn con đường cứu rỗi. Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: "Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha."(Mt. 26,42). Tuyệt đỉnh của lễ đền tội là Chúa Giêsu đã hiến chính mạng sống mình trên thánh giá. Chúa đã đổ đến giọt máu cuối cùng để hòan tất hy lễ hiến dâng.
Chúa Giêsu hiến mình chịu chết giang tay trên thập giá để đền tội cho nhân loại. Chúa đã hòa giải và nối kết giữa trời và đất. Chúng ta biết tội nguyên tổ đã đánh mất nguồn ân sủng siêu nhiên và biến mọi người thành tội nhân. Chính nhờ máu Châu Báu của Chúa giao hòa giúp chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính (Rm. 5,19). Sự hòa giải này phải trả bằng giá máu. Không ai có thể thay thế của lễ hy sinh đền tội này. Duy chỉ có Con Thiên Chúa nhập thể đền thay tội lỗi của nhân loại. Cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời (Col. 1,20).
Thơ gởi Do-thái đã so sánh rằng máu dê bò rẩy trên mình có thể thánh hóa con người nên trong sạch: Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch (Dt. 9,13). Vậy Máu Thánh của Chúa Giêsu đã đổ ra trên thập giá có hiệu lực tuyệt đối, sẽ xóa sạch mọi lỗi lầm và ban cho chúng ta có sự sống đời đời: Thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống (Dt.9,14).
Thơ gởi tín hữu Do-thái đã tóm tắt tất cả hiệu qủa của lễ toàn thiêu và hiến tế, duy chỉ có hy lễ của Chúa Kitô đem lại ơn cứu độ muôn đời: Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con (Dt. 10,4-7).
Lạy Máu Thánh Chúa Kitô, xin gột tẩy tâm hồn chúng con nên tinh sạch. Lạy Máu Châu Báu Chúa Kitô, xin giải hòa và tha tội cho chúng con. Lạy Máu Cực Trọng Chúa Kitô, xin giải khát tâm hồn chúng con. Chỉ có hy lễ tình yêu trên thánh giá mới giải nghĩa được chén đắng bằng Máu hiến dâng. Không có tình yêu nào cao quí hơn mối tình của người dám thí mạng vì bạn hữu. Chúa đã chết để cho chúng con được sống. Chúa đã sống lại để đưa dẫn chúng con đến sự sống muôn đời. Amen
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York



THỨ TƯ (Tuần Thánh)

THỨ TƯ (Tuần Thánh)
"Có một người trong các con sẽ nộp Thầy."
Lời Chúa: Mt 26,14-25
Suy niệm:
"Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?" Không chỉ có Giuđa mặc cả bán Chúa, chúng ta cũng đã nhiều lần mặc cả bán Chúa. Mỗi lần chúng ta vi phạm đức công bằng, bác ài, trong sạch, thủy chung, khiêm nhường... mà Chúa Giêsu đã mời chúng ta sống là những lần chúng ta nộp/bán Chúa để được một chút lợi lộc nào đó.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con đã nhiều lần coi trọng tiền bạc, chức quyền, danh vọng hão huyền và sự giả trá thế gian mà làm ngơ trước Lời Chúa. Chúng con đã bằng lòng đánh đổi tư cách và phẩm giá Kitô hữu để được những thứ mau hư nát, thì khác nào con trả giá để bán Chúa. Xin Chúa thứ tha cho chúng con.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

THỨ BA (Tuần Thánh)

THỨ BA (Tuần Thánh)
"Thầy bảo các con: một người trong các con sẽ nộp Thầy."
Lời Chúa: Ga 13,21-33.36-38
Suy niệm:
Giuđa âm mưu bán Chúa Giêsu, dù Người chẳng có lỗi gì với ông. Thánh Gioan ghi: "Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó trời đã tối." Tối hiểu theo cả nghĩa đen (văn thể) và nghĩa bóng (thiêng liêng): nghĩa là trời đã về khuya và cũng có nghĩa là sự tăm tối bao trùm tâm hồn kẻ phản bội Thầy và Chúa của mình!
Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con đã nhiều lần cảm nghiệm được tình trạng đi trong tăm tối của chúng con: mỗi lần chúng con chiều theo lòng ham muốn của cải, danh vọng, chức quyền, lạc thú hay ý riêng mà phản bội Chúa và người khác (vợ/chồng, anh em, bạn bè, đồng bào, dân tộc) là mỗi lần chúng con đi trong tăm tối. Xin Chúa đoái thương giải cứu chúng con.

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

THỨ HAI (Tuần Thánh)

THỨ HAI (Tuần Thánh)
"Hảy để mặc cô ta, ngõ hầu cô ta giữ lại việc này cho ngày mai táng Thầy."
Lời Chúa: Ga 12,1-11
Suy niệm:
Cả 3 chị em Matta, Maria, Lagiarô đều yêu mến Chúa Giêsu. Mỗi người thể hiện lòng yêu mến ấy một cách khác nhau. Cách nổi bật và nhiều ý nghĩa nhất là của Maria: "Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau." Dầu thơm cam tùng nguyên chất là vật quý giá mắc tiền chỉ dành cho người được yêu thương và kính trọng nhất. Xức và lau chân biểu lộ tấm lòng khiêm nhường, yêu mến và kính trọng của Maria đối với Chúa Giêsu. Đồng thời cũng báo trước cuộc mai táng Chúa Giêsu trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con quyết noi gương bắt chước Maria mà thể hiện tấm lòng yêu mến, ngưỡng mộ và tuân phục của chúng con đối với Chúa. Xin Chúa giúp sức chúng con.


Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Chúa Nhật Lễ Lá năm A

Chúa Nhật Lễ Lá năm A

Thứ Bảy ( tuần V Mùa Chay )

Thứ Bảy ( tuần V Mùa Chay )
"Một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt."
Lời Chúa: Ga 11,45-46
Suy niệm:
Hội Đồng Do Thái bàn luận với nhau để xử lý Chúa Giêsu: "Chúng ta phải làm gì đây, vì người này làm nhiều dấu lạ?" Một người làm nhiều dấu lạ và làm những việc tốt lành mà phải chết, đó là sự ngịch lý và ngược đời. Suy nghĩ về những sự kiện xảy ra trên thế giới, trong Hội Thánh, nơi giáo xứ, mỗi người Kitô hữu cũng sẽ nhận ra rất nhiều điều nghịch lý giống như vậy.
Lạy Chúa Giêsu Chúa đã chết cho chúng con được sống, trong khi chúng con vẫn có những ý nghĩ, lời nói, hành động đầy nghịch lý đối với Lời Chúa, các chủ chăn và người thân trong gia đình. Xin Chúa tha thứ và giúp chúng con sữa đổi để sống đúng tư cách là con Thiên Chúa.

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Thứ Sáu ( tuần V Mùa Chay )

Thứ Sáu ( tuần V Mùa Chay )
"Vì việc nào mà các ông ném đá tôi?"
Lời Chúa: Ga 10,31-42
Suy niệm:
Lời Chúa khẳng định rằng những ai nghe và thực hiện Lời Chúa sẽ là con Thiên Chúa. Người Do thái khi nghe Lời Chúa đã không tin và lấy đá ném Chúa Giêsu, vì họ cho rằng Chúa Giêsu nói phạm thượng. Ngày nay, khi nghe Hội Thánh và giảng dạy Lời Chúa, cũng có những Kitô hữu không chấp nhận và cũng tìm cách "ném đá." Có nhiều cách thức ném đá: coi thường Lời Chúa, vi phạm luật công bình, bác ái, phản đối luật lệ Hội Thánh, chống đối chủ chăn.
Lạy Chúa Giêsu, thay vì biết ơn và cảm tạ Chúa về những hồng ân mà Chúa đã ban cho chúng con thì chúng con thường quên ơn và vô ơn đối với Chúa. Xin Chúa tha thứ và giúp chúng con sữa đổi.

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Thứ Năm ( tuần V Mùa Chay )

Thứ Năm ( tuần V Mùa Chay )
"Ai giữ lời tôi, thì muôn đòi sẽ không phải chết."
Lời Chúa: 8,51-59
Suy niệm:
Vì ông bà nguyên tổ không tuân giữ Lời Chúa và phạm tội nên nhân loại phải chết. Chúa Giêsu đến trần gian để rao giảng Lời Chúa, để giải thoát con người khỏi tội và khỏi chết, để được ơn cứu độ và sự sống đời đời. Lời Chúa khẳng định với người Kitô hữu: người nào tuân giữ và thcu75 hành Lời Chúa sẽ không phạm tội và không phải chết; người nào không tin nhận và không sống theo Lời Chúa sẽ không nhận biết Thiên Chúa và sẽ là kẻ nói dối.
Lạy Chúa, từ trước đến giờ, chúng con coi trọng việc giữ đạo hình thức hơn là tuân giữ Lời Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết yêu mến và thực hiện Lời Chúa dạy, để gia đình chúng con được sống hạnh phúc đời đời.

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

ThứTư ( tuần V Mùa Chay )

ThứTư ( tuần V Mùa Chay )
"Nếu các ông ở lại trong lời tôi, các ông sẽ thật là môn đệ của tôi."
Lời Chúa: Ga 8,31-42
Suy niệm:
Với bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu xác định tiêu chuẩn của người Kitô hữu, người con Thiên Chúa và người môn đệ. Người môn đệ của Chúa Giêsu là người luôn lắng nghe Lời Chúa. Người con Thiên Chúa là người tin nhận và yêu mến Chúa Giêsu. Người Kitô hữu đích thực là người luôn thực hiện Lời Chúa dạy và từ bỏ tội lỗi để có tự do của con Thiên Chúa.
Lạy Chúa, Lời Chúa là sự thật giải thoát chúng con khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi và sự chết để trở nên con Thiên Chúa. Xin Chúa giúp cúng con luôn yêu mến và sống theo Lời Chúa để trở nên môn đệ đích thực của Chúa.    

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Thứ Ba ( tuần V Mùa Chay )

Thứ Ba ( tuần V Mùa Chay )
"Nếu các ông không tin rằng tôi là Đấng Hằng Hữu,
 các ông sẽ chết trong tội của các ông."
Lời Chúa: Ga 8,21-30
Suy niệm:
Đọc bài Phúc Âm, chúng ta có cảm tưởng đó là cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với những người điếc. Chúa Giêsu là người được Thiên Chúa sai đến trần gian, Người là ánh sáng chỉ cho con người biết con đường vào cuộc sống hạnh phúc. Nhưng người Do thái không chấp nhận lời giảng dạy và bằng chứng của Chúa Giêsu, vì họ không tin và cố chấp. Nếu người Kitô hữu nghe và đọc Lời Chúa mà không hiểu, nghe giảng dạy mà không chú tâm và không thực hiện, thì tâm hồn cũng bị điếc.
Lạy Chúa Giêsu, với Lời Chúa hôm nay, chúng con nhận ra chúng con cũng giống người Do thái ngày xưa. Xin Chúa chữa lành tâm hồn chúng con và giúp chúng con biết mở tâm hồn để đón nhận Lời Hằng Sống của Chúa.

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Thứ Hai ( tuần V Mùa Chay )

Thứ Hai ( tuần V Mùa Chay )
"Tôi không kết tội bà. Vậy bà hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa!"
Lời Chúa: Ga 8,1-11
Suy niệm:
Đối với người Do thái, người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình chắc chắn sẽ phải chết. Thế mà điều bất ngờ đã xảy ra: phiên tòa kết thúc bằng một sự tha bổng. Người phụ nữ ngoại tình được cứu sống hai lần: không bị ném đá (chết phần xác) mà lại còn được tha tội (không chết phần hồn). Tất cả là nhờ Chúa Giêsu Kitô, Vị quan tòa nhân từ và đầy tình thương. Mỗi lần đến với bí tích Giải Tội, người Kitô hữu cũng gặp được lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa như thế.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần đến tòa Hòa Giải là chúng con được Chúa tha thứ. Xin chúa giúp chúng con ghi nhớ Lời Chúa dạy: "Con hãy về và đừng phạm tội nữa", để chúng con biết hối cải và sống đẹp lòng Chúa hơn.

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm A


Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm A

Thứ Bảy ( tuần IV Mùa Chay )

Thứ Bảy ( tuần IV Mùa Chay )
"Dân chúng chia rẽ nhau vì Người."
Lời Chúa: Ga 7,40-53
Suy niệm:
Không dễ gì mà người ta khám phá ra chân dung và căn tính đích thực của Chúa Giêsu, vì con người bị giới hạn trăm bề. Ngày xưa, người Do thái đứng trước một Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, có số người nhận ra: "Ông nầy không thể là tiên tri", và họ chia rẽ nhau vì Chúa Giêsu. Ngày nay, nhiều người và cả gia đình Kitô hữu cũng chia rẽ nhau khi nghe nhắc đến Lời Chúa, học giáo lý, dâng lễ, cầu nguyện.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con nhận biết Chúa là do hồng ân Chúa cha đã ban vô điều kiện. Xin Chúa giúp chúng con, đừng vì quan niệm và ý kiến cá nhân, để gây chia rẽ trong gia đình và giáo xứ chúng con.

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Thứ Sáu ( tuần IV Mùa Chay )

Thứ Sáu ( tuần IV Mùa Chay )
"Tôi không tự mình mà đến, nhưng Đấng sai Tôi là Đấng chân thật mà các ông không biết"
Lời Chúa: Ga 7,1-2. 10,25-30
Suy niệm:
Bổn phận của một người Do thái là tham dự Lễ Lều để tạ ơn và thờ phượng Thiên Chúa. Vì là người Do thái nên Chúa Giêsu quyết định đi Giêrusalem. Người dũng cảm và khôn ngoan trong việc chu toàn trách nhiệm và sứ mạng mà Chúa Cha trao phó, dù biết người Do thái đang tìm giết Người. Người Kitô hữu tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, trước những khó khăn và thách đố trong cuộc sống, sẽ là dịp để làm chứng cho lòng tin yêu và trung thành với Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con vẫn còn lo lắng và tính toán đối với Chúa, chưa dám can đảm làm chứng cho đức tin. Xin Chúa ban ơn can đảm và khôn ngoan cho chúng con, để chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đòi.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

-ÉucGiaoHoangG-PII


Nhìn lại cuộc đời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Tôn phong lên bậc Chân Phước ngày 01/05/2011 tại quãng trường Thánh Phêrô.
Chủ sự Thánh Lễ Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

Giỗ Cha

 

Ngày 02/04/2011Lễ giỗ 06 năm tại Sarasota - Florida - Hoa Kỳ

Thứ Năm ( tuần IV Mùa Chay )

Thứ Năm ( tuần IV Mùa Chay )
"Chính các việc mà tôi đang làm minh chứng rằng Cha đã sai tôi"
Lời Chúa: Ga 5,31-47
Suy niệm:
Những việc Chúa Giêsu làm chứng tỏ rằng Người được Chúa Cha sai đến. Phúc âm đã ghi lại: chữa bệnh, trừ quỷ, giảng dạy về Thiên Chúa và nói về Nước Trời, làm cho kẻ chết sống lại, bênh vực người yếu đuối, đứng về phía người nghèo khổ để chống lại bất công. Việc làm lớn nhất mà Chúa Giêsu thể hiện tình yêu thương đối với con người, đó là Người đã tự nguyện hy sinh chết trên thập giá để cứu độ con người.
Lạy Chúa Giêsu, suy gẫm về Lời Chúa giúp chúng con nhận ra rằng những việc chúng con làm chưa chứng minh được chúng con là Kitô hữu, là môn đệ cả Chúa. Xin Chúa giúp chúng con sữa đỏi cách sống để chúng con xứng đáng là con Thiên Chúa.

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

ThứTư ( tuần IV Mùa Chay )

ThứTư ( tuần IV Mùa Chay )
"Điều gì Cha làm, thì con cũng làm như vậy"
Lời Chúa: Ga 5,17-30
Suy niệm:
Chúa Giêsu là hình ảnh của Chúa Cha, Người đến trần gian để nói cho con người biết Chúa Cha, và chỉ cho con người biết cách sống và cư xử của một người con: "Người con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì Người con cũng làm như vậy." Chúa Giêsu đã làm gương và mời gọi mỗi người Kitô hữu theo gương Người để sống mật thiết và làm những việc đẹp lòng Chúa Cha.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu rằng: thực hành Lời Chúa là cách thức tốt nhất để sống đẹp lòng Chúa Cha

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Thứ Ba ( tuần IV Mùa Chay )

Thứ Ba ( tuần IV Mùa Chay )
"Anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa"
Lời Chúa: Ga 5,1-3a,5-16
Suy niệm:
Chúa Giêsu hỏi người bất toại đã 38 năm, đang nằm chờ bên hồ nước: "Anh có muốn khỏi bệnh không?" Cau hỏi của Chúa Giêsu như một ly nước mát giữa trời nắng. Nhiều người Kitô hữu cũng đang gặp tình trạng bất toại về tâm hồn, nhưng Chúa Giêsu tôn trọng tự do của mỗi người. Chỉ khi nào con người có lòng khao khát, tin tưởng vào tình thương và quyền năng của người, thì mới được chữa lành, mỗi người được Chúa Giêsu nhắc nhở: "Con hãy về nhà và đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước."
Lạy Chúa Giêsu, tình trạng tâm hồn mỗi người trong gia đình chúng con chỉ một mình Chúa biết. Xin Chúa giúp chúng con biết lắng nghe và đáp lại Lời Chúa, để chúng con được chữa lành.

Nhà của con trai Ghadafi tại Paris...

Nhà của con trai Ghadafi tại Paris...

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Thứ Hai ( tuần IV Mùa Chay )

Thứ Hai ( tuần IV Mùa Chay )
"Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về'
Lời Chúa: Ga 4,43-54
Suy niệm:
Viên sĩ quan cận vệ của nhà vua đến cầu cứu Chúa Giêsu, vì biết rằng Người có quyền năng và lòng xót thương, ông hy vọng con ông sẽ khỏi chết. Chúa Giêsu đã cứu sống con ông chỉ bằng lời nói mà không cần phải chạm tới người bệnh. Ngày nay, nhiều gia đình Kitô hữu cũng có những thành viên cần được cứu sống về phần linh hồn. Nếu người trong gia đình biết tìm đến với Chúa Giêsu và thực hành Lời Chúa, thì sẽ được nghe Chúa Giêsu nói: "Ông cứ về đi, con ông sống đấy."
Lạy Chúa Giêsu, nhiều người trong gia đình và cộng đoàn giáo xứ chúng con khô khan, hoài nghi và tội lỗi, đang có nguy cơ phải mất đức tin và chết về tâm hồn. Xin Chúa thương xót và cứu chữa chúng con.

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm A

Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm A

Thứ Bảy ( tuần III Mùa Chay )

Thứ Bảy ( tuần III Mùa Chay )
"Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội"
Lời Chúa: Lc 18,9-14
Suy niệm:
Chúa Giêsu xác định đối tượng của dụ ngôn: dành cho "những người tự hào mình là người công chính và khinh dễ kẻ khác." Cầu nguyện là dịp con người gặp gỡ và sống thân tình với Thiên Chúa. Vì thế, khi tự hào mình là người công chính thánh thiện, sẽ biến việc cầu nguyện thành cơ hội để khoe khoang, làm mất ý nghĩa và giá trị của việc cầu nguyện. Chỉ khi nào con người biết khiêm tốn nhận mình là người có tội, kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, lúc đó con người mới nhận được ơn tha thứ.
Lạy Chúa, nếu không có Lời Chúa hướng dẫn, chúng con sẽ hiểu sai lạc về cầu nguyện. Xin Chúa giúp chúng con biết sống nhân từ với mọi người, để được Chúa thương xót và tha thứ cho chúng con.