Hội Ngộ Truyền Thông 2014

Hội Ngộ Truyền Thông 2014

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

THỨ TƯ (Tuần II Mùa Phục Sinh)

THỨ TƯ (Tuần II Mùa Phục Sinh)
"Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để tất cả những ai tin vào Con của Ngài, thì không phải chết, nhưng được sống đời đời."
Lời Chúa: Ga 3,16-21
Suy niệm:
Điều này được minh chứng bởi cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. chính Người là quà tặng mà tình yêu Thiên Chúa muốn trao cho tất cả mọi người trên trái đất, đặc biệt là các gia đình Kitô hữu. Để làm gì? Để đem ánh sáng chân lý cho thế giới, để đem sự sống cho một nền văn minh gây nhiều chết chóc, để đem sức mạnh cho những gia đình muốn xây dựng sự sống và tình thương.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, tạ ơn Cha đã thương chúng con đến thế. Tạ ơn Cha đã ban Chúa Giêsu cho chúng con. Xin giúp chúng con đón nhận tình thương của Cha mãi mãi. 

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

THỨ BA (Tuần II Mùa Phục Sinh)

THỨ BA (Tuần II Mùa Phục Sinh)
"'"Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống đời đời."
Lời Chúa: Ga 3,7b-15
Suy niệm:
Với trí khôn và kiến thức tự nhiên, ông Nicôđêmô không thể hiểu Lời Chúa: "Làm sao các việc ấy có thể xảy ra được?" Lời Chúa mới giúp con người có cặp mắt đức tin để nhận biết Chúa Giêsu. Khi có đức tin thì sẽ hiểu những điều Chúa Giêsu nói. Chúa Giêsu Phục Sinh cũng mong muốn các gia đình Kitô hữu nói cho nhau và cho mọi người biết vê Tin Mừng Phục Sinh: "Điều chúng tôi biết thì chúng tôi nói, điều chúng tôi thấy thì chúng tôi làm chứng."
Lạy Chúa Phục Sinh, Chúa ban cho chúng con một sức sống mới. Xin giúp chúng con loan truyền việc Chuá chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, để mọi người nhận biết Chúa.

Thánh Lễ Phong Thánh - Gioan XXIII & Gioan Phaolô II

Thánh Lễ Phong Thánh - Gioan XXIII & Gioan Phaolô II


Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Thứ Hai (Tuần II mùa Phục Sinh)

Thứ Hai (Tuần II mùa Phục Sinh)
"Nếu ai không sinh ra bởi trên cao,
thì không thể thấy Nước Thiên Chúa."
Lời Chúa: Ga 3,1-8
Suy niệm:
Ông Nicôđêmô không thể hiểu nổi lời Chúa Giêsu. Tại sao? Là một người tự hào sống đúng luật Thiên Chúa, là người dẫn đường cho kẻ khác, là người đã nhận ra Chúa Giêsu là người của Thiên Chúa, thế mà ông vẫn không dám đến gặp Chúa ban ngày. Ông vẫn còn sợ sệt dư luận. Chúa Giêsu nói: "Không ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần." Người Kitô hữu đã được thánh tẩy, nhưng cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Dấu chứng được tái sinh bởi Thánh Thần là không sợ hãi dư luận và không chạy theo thói thế gian!
Lạy Chúa Phục Sinh, chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con làm con của Chúa. Xin giúp chúng con sống theo Thánh Thần để trở nên con người tự do.

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

THỨ BẢY (Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

THỨ BẢY (Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
"Các con hãy đi khắp thế gian 
rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo"
Lời Chúa: Mc 16,9-15
Suy niệm:
Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ là để Tin Mừng được loan báo. Tin Mừng vẫn tiếp tục được truyền đi suốt 2000 năm qua. Tin Mừng Phục Sinh là Tin Mừng sự sống thắng sự chết, tình yêu thắng gian ác, tha thứ thắng hận thù. Kitô hữu là những người sống cùng một niềm tin, cần tin tưởng lắng nghe nhau, chia sẽ một tinh thần, ăn cùng một tấm bánh, để sức mạnh Chúa Kitô nối kết chúng ta chung xây gia đình mình là Hội Thánh nhỏ của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa muốn ban sức sống mới cho mọi người, mọi vật. Xin cho chúng con biết đón nhận sức sống của Chúa, để mọi người và mọi vật được bình an và hạnh phúc.


Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

THỨ SÁU (Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

THỨ SÁU (Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
"Chúa Giêsu đến cầm lấy bánh trao cho họ"
Lời Chúa: Ga 21,1-14
Suy niệm:
Chúa Giêsu Phục Sinh không ở xa các môn đệ. Người chỉ dẫn cho họ bắt được cá. Người chuẩn bị lửa và nước, bánh với cá. Chúa chăm sóc các môn đệ, Người hỏi thăm thành quả công việc, Người tự mình trao bánh và cá cho mỗi người. Khi các thành viên trong gia đình Kitô hữu chăm sóc và lo cho các nhu cầu của nhau, chính là Chúa Phục Sinh đang tiếp tục chăm sóc. Qua mỗi người, Chúa Kitô đang sống để yêu thương và phục vụ.
Lạy chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con đâu có ngờ Chúa đang chăm sóc mỗi người trong gia đình chúng con. xin tha thứ cho chúng con vì những lần từ chối phục vụ người thân trong gia đình, chúng con đã làm cho Chúa vắng mặt giữa gia đình chúng con.

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

THỨ NĂM (Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

THỨ NĂM (Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
"Các con sẽ là chứng nhân về những điều ấy."
Lời Chúa: Lc 24,35-48
Suy niệm:
Điều Chúa Giêsu Phục Sinh tha thiết là: "Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Anh em là chứng nhân của Thầy." Chúa Giêsu chỉ muốn một điều: Danh Người được rao giảng cho muôn dân để họ được Thiên Chuá cứu độ. Chúng ta thực hiện ý muốn của Chúa Giêsu trong gia đình và xã hội, làm chứng cho nhau về Chúa Phục Sinh bằng cách: chứng minh sự đổi mới cuộc đời của chính mình, trở nên con người mới đã phục sinh với Chúa Kitô!
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con luôn khao khát cho mọi người được biết Danh Chúa và nhận được ơn tha thứ Chúa mang lại. Xin giúp chúng con đổi mới cuộc sống mỗi ngày, để làm chứng ơn Chúa cứu độ chúng con. 

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

THỨ TƯ (Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

THỨ TƯ (Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
"Mắt họ mở ra và họ nhận ra Người"
Lời Chúa: Lc 24,13-35
Suy niệm:
Chúa Phục sinh đến gặp chúng ta ở đâu? Mắt chúng ta được mở ra để có thể gặp Chúa Phục Sinh hôm nay, nhờ câu chuyện hai môn đệ gặp Chúa trên đường về Emmau.
1. Người có thể đến với chúng ta trong cuộc sống mỗi ngày, nhất là khi thất vọng, đơn côi.
2. Chúng ta có thể gặp Người qua Lời Chúa trong thánh lễ hay chia sẽ giữa anh em.
3. Đặc biệt Chúa đến với chúng ta trong bí tích Thánh Thể.
4. Và chúng ta còn gặp được Người hiện diện trong cộng đoàn Hội Thánh.
Lạy Chúa Phục Sinh, Chúa đã mở mắt chúng con nhận ra nơi Chúa hiện diện khi chúng con ở với nhau, bên bàn tiệc Lời Chúa và Mình Chúa trong lòng Hội Thánh. Chúng con xin ngợi khen và cảm tạ tình thương của Chúa. 

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

THỨ BA (Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

THỨ BA (Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
"Tôi đã thấy Chúa"
Lời Chúa: Ga 20,11-18
Suy niệm:
Cô Maria mải mê tìm kiếm thân xác Thầy đã chết, đến nỗi không thể nhận ra Chúa Phục Sinh đang đứng bên cạnh mình. Cô đã ôm chặt quá khứ! Chúa Phục sinh mời gọi chúng ta hướng về tương lai, để sẵn sàng đón nhận những ân huệ lớn lao hơn quá khứ nhiều, do cuộc Vượt Qua của Người mang lại cho mọi người: từ nay cuộc sống chúng ta có Chúa vinh hiển trên trời, có Thiên Chúa là Cha yêu thương, trong quyền năng Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa Phục Sinh, Chúa đã mở ra cho chúng con một tương lai sáng ngời, khi đập tan xích xiềng sự chết, tội lỗi và dẫn đưa chúng con đến với Cha trên trời. Xin giúp chúng con luôn sống vui trong niềm hạnh phúc này.

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

THỨ HAI (Tuần Bát Nhật Phục sinh)

THỨ HAI (Tuần bát Nhật Phục sinh
"Các bà vội ra khỏi mộ vừa sợ lại vừa rất đổi vui mừng, chạy đi bào tin cho các môn đệ."
Lời Chúa: Mt 28,8-15
Suy niệm:
Chúa Giêsu phục sinh không hiện ra để thuyết phục và minh chứng, Người chỉ tỏ mình với những người sẽ làm chứng cho Người: các phụ nữ, các tông đồ. Chúng ta đã họp mừng Chúa Giêusu Phục Sinh trong Tam Nhật Vượt Qua. Chúa đã tỏ mình cho chúng ta trong Hội Thánh, khi cử hành mầu nhiệm Phục Sinh. Chúng ta được mời gọi lảm chứng về Người trong gia đình, bằng niềm vui trong cuộc sống theo Chúa, bằng thái độ không sợ hải hoang mang, bằng sự dấn thân phục vụ mọi người.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con không còn sợ hải, nhưng mau mắn làm chứng về niềm vui có Chúa trong cuộc sống chúng con mỗi ngày.

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

THỨ BẢY(Tuần Thánh)

THỨ BẢY (Tuần Thánh)
"Chúa là phần gia nghiệp của con." (Tv 15)
Lời Chúa: Ga 20,1-9
Suy niệm:
Nếu trong Cuộc Thương Khó, chung quanh Chúa Giêsu có nhiều gương mặt "mốc"(như đã liệt kê ở trên) thì cũng có nhiều gương mặt sáng láng dễ thương: đó là gương mặt của Đức Maria thân mẫu Chúa Giêsu, của Gioxếp, người đứng ra mai táng Chúa, của tông đồ Gioan và Phêrô (đã ăn năn), của Maria Mađalêna và các phụ nữ đến viếng mộ Chúa ngay khi trời hừng sáng. Phần thưởng của những người này là được nghe loan báo về Chúa Kitô Phục Sinh và được gặp chính Người!
Lạy Chúa Giêsu Kitô, con đường Chúa đã đi và chỉ cho chúng con đi theo là con đường "từ thập giá đến phục sinh", từ hy sinh tự hiến đến sống lại vinh quang. Xin Chúa ban cho chúng con ơn thông hiểu và ơn can đảm đi vào con đường ấy.

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

SỰ THINH LẶNG CỦA THẬP GIÁ




SỰ THINH LẶNG CỦA THẬP GIÁ 

Trong suốt ngày thứ Sáu tuần thánh, Giáo hội như muốn mời gọi chúng ta đi vào thinh lặng, từ các trang trí cho đến những bài ca Phụng vụ, tất cả đều đưa chúng ta đi vào cõi thinh lặng. Thinh lặng để nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thập giá, thinh lặng để lắng nghe tiếng nói từ Thập giá. Thập giá vẫn mãi mãi là một mầu nhiệm. Tại sao điều đó có thể xảy ra cho Thiên Chúa? Tại sao Con Một Thiên Chúa lại có thể chịu chết treo trên Thập giá ? 
Trong một cuộc đối thoại tưởng tượng với người trộm lành chịu treo bên phải Chúa Giêsu, thánh Augustinô đã hỏi người đó như sau: “Làm sao ông có thể hiểu được những gì xảy ra bên cạnh ông, trong khi đó chúng tôi là những nhà chuyên môn, là những nhà tiến sĩ luật, chúng tôi lại không hiểu được những lời ứng nghiệm của Thánh Kinh ngay trước mắt chúng tôi. Ông có đọc Thánh Kinh không? Ông có biết tiên tri Isaia đã loan báo về cuộc tử nạn của Chúa như thế nào không?” Người trộm lành mới trả lời như sau: “Không, tôi chưa bao giờ học hỏi về Kinh Thánh, nhưng Chúa Giêsu đã nhìn tôi và trong cái nhìn của Ngài, tôi đã hiểu tất cả mọi sự”. 
Một vị Hồng Y già trong cơn hấp hối đã nhắn nhủ như sau: “Chúng ta đã nói rất nhiều lời hay ý đẹp về sự đau khổ, tôi cũng đã từng hăng say làm như thế, nhưng xin hãy nhắn với các linh mục: Đừng nói gì cả, chúng ta không biết gì về đau khổ cả.” 
Về cuộc tử nạn và cái chết của Chúa Giêsu, thiết tưởng chúng ta chỉ nên giữ thinh lặng. Trong thinh lặng, chúng ta mới cảm nhận được cái nhìn yêu thương trìu mến của Chúa Giêsu. Và trong cái nhìn ấy chúng ta mới nghe được chính tiếng nói của Ngài. Chỉ có kẻ đau khổ mới có thể đưa chúng ta vào nỗi đau của họ. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể đưa chúng ta vào những nỗi đau khổ của Ngài. Sự thinh lặng đưa chúng ta vào mầu nhiệm của khổ đau. 
Trong hai người cùng chịu treo trên Thập giá bên cạnh Chúa Giêsu, một người đã không ngừng lên tiếng kêu gào chửi rủa, trong khi đó kẻ được mệnh danh là trộm lành chỉ biết thốt lên lời van xin cứu vớt. Đối với chúng ta, điều đó thật phải lẽ, xứng với tội lỗi chúng ta. Kẻ trộm lành qủa thực đã đi sâu vào mầu nhiệm của Thập giá, ông đã nhận ra thân phận tội lỗi của mình. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá trước tiên là một bày tỏ về bộ mặt tội lỗi của nhân loại. Mãi mãi Thập giá vẫn là biểu trưng của sự độc ác của con người. Đó là phát minh của con người trong việc sáng chế ra những phương thế để hành hạ nhau, để loại trừ nhau, để chém giết nhau. Đó là bản án của tội lỗi nhân loại trải qua mọi thời đại. 
Nhìn lên Thập giá Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta chỉ có thể đấm ngực ăn năn về chính tội lỗi của mình mà thôi. Thập giá của Chúa Giêsu vẫn luôn có đó để chiếu rọi vào thân phận tội lỗi của con người. Thập giá không chỉ là mạc khải về tội lỗi của con người, nhưng tội lỗi còn là mặt trái của một nguồn ánh sáng vô biên. Đó là ánh sáng của tình yêu. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là biểu tỏ của một tình yêu tha thứ cho đến cùng. Có lẽ người trộm lành đã hiểu được điều đó khi ông quay nhìn sang Chúa Giêsu trên Thập giá. Trong ánh mắt của Chúa Giêsu, người trộm lành được ôm ấp với cái nhìn trìu mến và tha thứ của Ngài. 
Dưới chân Thập giá của Ngài còn có Mẹ và một số người bạn dõi theo Ngài cho đến cùng. Mẹ và những người đó đứng nhìn lên Chúa trong lặng yên. Với Mẹ và những người bạn đó, Chúa Giêsu cũng tôn trọng bằng ánh mắt yêu thương, trìu mến của Ngài. Ngài cũng đưa Mẹ Maria và những người đó vào trong mầu nhiệm khổ đau của Ngài. Cùng với Mẹ, chúng ta cũng hãy để cho tâm hồn chìm lắng xuống, hãy để cho bao bận tâm, sầu muộn và khổ đau riêng tư chìm xuống và hoà nhập vào mầu nhiệm Thập giá của Chúa Giêsu. Hãy để cho Ngài ôm ấp trọn lấy chúng ta trong tình yêu bao dung, tha thứ của Ngài. Hãy để cho ánh mắt yêu thương của Ngài đốt cháy tâm hồn khô lạnh vì tội lỗi và ích kỷ của chúng ta. 
R. Veritas

THỨ SÁU (Tuần Thánh)

THỨ SÁU (Tuần Thánh)
"Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội" (Is 52,5)
Lời Chúa: Ga 18,1-19,42
Suy niệm:
Trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu xuất hiện nhiều gương mặt "mốc": Giuđa bán Chúa, Phêrô chối Chúa, các tông đồ bỏ Chúa mà chạy trốn, các thượng tế, kinh sư, luật sĩ và đám đông dân Do Thái âm mưu đòi giết Chúa, Philatô không có dũng khí làm theo tiếng nói của lương tâm mà kết án Chúa. Liệu chúng ta có thấy chính mình nơi những khuôn mặt đó không?
Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con đã nhiều lần bán Chúa như Giuđa, chối Chúa như Phêrô, bỏ Chúa như các tông đồ, không đủ dũng cảm làm theo tiếng nói của lương tri như Philatô. Xin Chúa ban ơn hối cải, để chúng con thay đổi đời sống và trở nên môn đệ trung tín của Chúa.

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Thứ Năm Tuần Thánh

Thứ Năm Tuần Thánh


Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13,15)
Lời Chúa: 
 Ga 13,1-15

1Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. 2Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu. 3Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. 6Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" 7Đức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." 8Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!" Đức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." 9Ông Simôn Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." 10Đức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!"11Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."12Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? 13Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Đó là Lời Chúa.

Suy niệm: 
Tại một ngôi làng nhỏ bên Tây Đức, trước năm 1940 là nơi gặp gỡ của các danh họa Âu Châu, nhưng kể từ thế chiến thứ hai, nó trở thành nhà tù giam giữ những phạm nhân của Đức Quốc xã, có mặt một Phó tế được phong chức linh mục tại đây. Sau khi chết, ngài để lại chúc thư "Tình yêu và đền bù". Thế rồi 15 năm sau, nhà tù đó biến thành Dòng kín Carmel, các nữ tu đến đó để sống cho lý tưởng tình yêu và đền bù.
Tình yêu chính là ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã quì gối rửa chân cho các Tông đồ và cũng trong Bữa Tiệc ly Ngài đã thiết lập Bích tích Thánh Thể cũng như loan báo về cái chết của Ngài. Phêrô đại diện các Tông đồ đã có lý khi khước từ Chúa Giêsu rửa chân cho ông, vì đây là công việc của tôi tớ trong nhà. Theo tục lệ người Do Thái, trước khi vào bàn ăn tôi tớ trong nhà phải đi rửa chân cho khách. Chúa Giêsu đã muốn thực hiện cử chỉ ấy để thực thi chính điều Ngài đã nói: Con người không đến để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người.
Cử chỉ yêu thương mà Chúa Giêsu đã làm cho các Tông đồ là một quyết tâm sống trọn ý nghĩa yêu thương của Ngài, cũng như người tôi tớ không sống cho mình mà cho người khác. Nhưng Ngài chưa lấy làm đủ, Ngài còn biểu lộ tình yêu qua hình ảnh một miếng bánh trao ban để ở mãi với con người. Bị bẻ ra và tiêu tan, Chúa Giêsu đã sống đến cùng những đòi hỏi của yêu thương. Thánh Gioan đã tóm gọn cuộc sống Chúa Giêsu qua câu: "Ngài đã yêu các kẻ thuộc về Ngài và đã yêu đến cùng", nghĩa là sẵn sàng sống chết cho người mình yêu. Tình yêu đến cùng ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện qua cái chết trên Thập giá, và Ngài còn muốn tái diễn hàng ngày dưới hình dạng Bánh và Rượu trong bí tích Thánh Thể. Cũng như tôi tớ chỉ sống và chết cho người khác, chiếc bánh chỉ hiện hữu để được ăn, được hao mòn, được tiêu tán. Dưới hình thức lương thực, Chúa Giêsu muốn thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta; tiếp nhận Ngài qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài, ăn uống Ngài, chúng ta cũng được mời gọi nên giống Ngài và chia sẻ sự sống của Ngài cho người khác.
Sống và chết cho người khác, nên một với Ngài là thực hiện sứ mệnh của Ngài tức là phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Sứ mệnh phục vụ ấy Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta qua Bí tích Truyền chức. Linh mục là người được ủy thác để lặp lại lời của Chúa Giêsu. "Các con hãy làm việc này, mà nhớ đến Ta". Làm việc này không những là cử hành Bí tích Thánh Thể để Chúa Giêsu luôn ở mãi giữa nhân loại, mà con chu toàn sứ mệnh phục vụ của Ngài. Không chỉ riêng Linh mục, nhưng tất cả những ai nhờ phép rửa được tháp nhập vào sự sống Đức Kitô, nghĩa là mọi kitô hữu trong lời nói và hành động cũng yêu thương và chết để nhớ đến Ngài. Mỗi cử chỉ và hành vi bác ái đều là một nghĩa cử tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, đều là một tiếp tục, hay đúng hơn là một hiến lễ được dâng trên bàn thờ.
Tưởng nhớ việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể và truyền chức Linh mục trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta nhớ đến cách đặc biệt các Linh mục. Xin chúa ban cho các ngài luôn trung thành với sứ mệnh phục vụ.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã để lại cho chúng con một gia sản quý giá là bài học yêu thương phục vụ. Bài học này chính Chúa đã làm gương cho chúng con trước. Xin cho nếp sống của chúng con họa lại bức chân dung của Thầy Chí Thánh ngày càng rõ nét hơn. Xin cho tình yêu Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn chúng con để chúng con cũng biết sống yêu thương và phục vụ.