Hai lần chớp tỏa sáng trên Vatican
Trong lúc cả thế giới vẫn đang chưa
hết bất ngờ về tin Đức Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ chức, lại
có thêm tin sét đánh ở Vatican chỉ vài
giờ sau đó. Nhưng lần này, đó là sét thật.
Một tia chớp - hẳn không phải là
một thông điệp từ trên gửi xuống - đã được không chỉ một mà hai
nhiếp ảnh gia thu vào ống kính khi đánh vào cột thu lôi trên đỉnh
thánh đường St Peter. Mà có thể còn có thêm nhiều nhiếp ảnh gia nữa
cũng chụp được.
Một trong số đó là nhiếp ảnh gia
Alessandro Di Meo, người đang có mặt ở khu vực sau khi tin nóng về việc
từ chức được loan ra. Khi tia chớp đầu tiên đánh xuống, ông đã ngay
lập tức chọn vị trí chờ chụp hình. Ông nói thực sự đó là một
cuộc chạy đua với thời gian nhưng cũng là một nỗ lực ăn may.
"Khi tôi đang lau giọt nước mưa
trên ống kính thì tia chớp đầu tiên đánh xuống mái vòm, tôi không kịp
làm gì, chỉ biết đứng nhìn thôi," ông nói.
"Xui quá. Nhưng điều đó không
làm tôi nản chí, cho nên tôi tiếp tục nhẫn nại xem liệu có chụp được
tấm hình mà tôi đã nghĩ tới không. Tôi lại thử chụp vài lần nữa,
cho tới khi một tia chớp đánh xuống đỉnh mái vòm đúng lúc tôi đang
bấm máy."
Với những ai chưa biết, thì để
chụp được hình tia chớp, ta phải mở cửa trập của máy rồi hy vọng -
hay đúng hơn là cầu nguyện. Ta không thể chờ cho tới khi có tia sáng
lóe lên rồi mới bấm nút đóng cửa trập được, bởi chắc chắn đã chậm
chân mất rồi.
Mẹo ở đây là phải ngắm khung hình
muốn chụp trước, rồi để máy ảnh ở chế độ đóng cửa trập chậm, như
thế thì tia chớp mới xuất hiện đầy đủ được trong khung hình với
toàn bộ vẻ đẹp của nó.
Trên thực tế, máy ảnh của Di Meo
được đặt trên một hàng rào để không bị rung trong quá trình cửa trập
đang mở, tất nhiên nếu có chân máy ảnh lúc đó thì ông đã dùng rồi.
Ông đặt máy ảnh ở chế độ mở tám giây, f/9 và 50 ISO.
"Tất
nhiên là máy được để ở chế độ chỉnh tay và tôi lắp ống kính góc
rộng, cho phép tôi lấy được toàn cảnh thánh đường," ông nói.
Đã có những tranh luận quanh tính
xác thực của tấm hình, nhưng nếu bạn biết mình đang làm gì và lại
có chút may mắn nữa thì chụp hình các tia chớp không phải là điều quá
khó. Nói vậy bởi tôi cũng từng chụp được một ít và bị lỡ mất một
số lần khác.
Kỹ năng, như được giải thích ở đây,
là cần phải lấy được khung hình đẹp và lấy được khoảnh khắc ấn
tượng.
"Tôi biết rằng tấm hình này
rất quý," Di Meo nói. "Các tấm hình chụp tia chớp cũng
thường được thực hiện, nhưng cái khác biệt duy nhất trong trường hợp
này là nó xảy ra đúng lúc, đúng chỗ."
Nhiếp ảnh gia của AFP Filippo
Monteforte cũng có mặt đúng lúc, đúng chỗ. Ông chụp được khung hình
tương tự, và cũng may mắn kiếm được chỗ đặt máy tốt, trên các cây
cọc có quanh Quảng trường St Peter. Ông chụp bằng một ống kính 50mm
và đã chờ đợi trong hai giờ đồng hồ.
Ông nói với AFP: "Tia chớp đầu
tiên cực lớn, sáng lòa cả bầu trời, nhưng thật tiếc là tôi đã bị
lỡ. Lần thứ hai thì tôi may mắn hơn, và đã chụp được một số tấm
với hình mái vòm được tia chớp chiếu sáng."
Tất nhiên, ai mà quên được tấm hình
sét đánh tháp Eiffel, hay các tia chớp đánh xuống cây cầu Bay Bridge ở San
Francisco của Phil McGrew.
Nếu như quý vị đọc tin này, và
cũng ghi lại được khoảnh khắc tia chớp Vatican vừa rồi, thì hãy gửi
hình cho chúng tôi nhé toyourpics@bbc.co.uk. Việc sử dụng hình ảnh của
quý vị sẽ tuân theo quy định của chúng tôi, nhưng bản quyền vẫn là
của quý vị.
(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2013/02/130213_vatican_lightning_photos.shtml)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét