Hội Ngộ Truyền Thông 2014

Hội Ngộ Truyền Thông 2014

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Thứ Năm Tuần Thánh

Thứ Năm Tuần Thánh


Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13,15)
Lời Chúa: 
 Ga 13,1-15

1Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. 2Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu. 3Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. 6Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" 7Đức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." 8Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!" Đức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." 9Ông Simôn Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." 10Đức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!"11Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."12Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? 13Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Đó là Lời Chúa.

Suy niệm: 
Tại một ngôi làng nhỏ bên Tây Đức, trước năm 1940 là nơi gặp gỡ của các danh họa Âu Châu, nhưng kể từ thế chiến thứ hai, nó trở thành nhà tù giam giữ những phạm nhân của Đức Quốc xã, có mặt một Phó tế được phong chức linh mục tại đây. Sau khi chết, ngài để lại chúc thư "Tình yêu và đền bù". Thế rồi 15 năm sau, nhà tù đó biến thành Dòng kín Carmel, các nữ tu đến đó để sống cho lý tưởng tình yêu và đền bù.
Tình yêu chính là ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã quì gối rửa chân cho các Tông đồ và cũng trong Bữa Tiệc ly Ngài đã thiết lập Bích tích Thánh Thể cũng như loan báo về cái chết của Ngài. Phêrô đại diện các Tông đồ đã có lý khi khước từ Chúa Giêsu rửa chân cho ông, vì đây là công việc của tôi tớ trong nhà. Theo tục lệ người Do Thái, trước khi vào bàn ăn tôi tớ trong nhà phải đi rửa chân cho khách. Chúa Giêsu đã muốn thực hiện cử chỉ ấy để thực thi chính điều Ngài đã nói: Con người không đến để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người.
Cử chỉ yêu thương mà Chúa Giêsu đã làm cho các Tông đồ là một quyết tâm sống trọn ý nghĩa yêu thương của Ngài, cũng như người tôi tớ không sống cho mình mà cho người khác. Nhưng Ngài chưa lấy làm đủ, Ngài còn biểu lộ tình yêu qua hình ảnh một miếng bánh trao ban để ở mãi với con người. Bị bẻ ra và tiêu tan, Chúa Giêsu đã sống đến cùng những đòi hỏi của yêu thương. Thánh Gioan đã tóm gọn cuộc sống Chúa Giêsu qua câu: "Ngài đã yêu các kẻ thuộc về Ngài và đã yêu đến cùng", nghĩa là sẵn sàng sống chết cho người mình yêu. Tình yêu đến cùng ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện qua cái chết trên Thập giá, và Ngài còn muốn tái diễn hàng ngày dưới hình dạng Bánh và Rượu trong bí tích Thánh Thể. Cũng như tôi tớ chỉ sống và chết cho người khác, chiếc bánh chỉ hiện hữu để được ăn, được hao mòn, được tiêu tán. Dưới hình thức lương thực, Chúa Giêsu muốn thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta; tiếp nhận Ngài qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài, ăn uống Ngài, chúng ta cũng được mời gọi nên giống Ngài và chia sẻ sự sống của Ngài cho người khác.
Sống và chết cho người khác, nên một với Ngài là thực hiện sứ mệnh của Ngài tức là phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Sứ mệnh phục vụ ấy Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta qua Bí tích Truyền chức. Linh mục là người được ủy thác để lặp lại lời của Chúa Giêsu. "Các con hãy làm việc này, mà nhớ đến Ta". Làm việc này không những là cử hành Bí tích Thánh Thể để Chúa Giêsu luôn ở mãi giữa nhân loại, mà con chu toàn sứ mệnh phục vụ của Ngài. Không chỉ riêng Linh mục, nhưng tất cả những ai nhờ phép rửa được tháp nhập vào sự sống Đức Kitô, nghĩa là mọi kitô hữu trong lời nói và hành động cũng yêu thương và chết để nhớ đến Ngài. Mỗi cử chỉ và hành vi bác ái đều là một nghĩa cử tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, đều là một tiếp tục, hay đúng hơn là một hiến lễ được dâng trên bàn thờ.
Tưởng nhớ việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể và truyền chức Linh mục trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta nhớ đến cách đặc biệt các Linh mục. Xin chúa ban cho các ngài luôn trung thành với sứ mệnh phục vụ.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã để lại cho chúng con một gia sản quý giá là bài học yêu thương phục vụ. Bài học này chính Chúa đã làm gương cho chúng con trước. Xin cho nếp sống của chúng con họa lại bức chân dung của Thầy Chí Thánh ngày càng rõ nét hơn. Xin cho tình yêu Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn chúng con để chúng con cũng biết sống yêu thương và phục vụ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét