Hội Ngộ Truyền Thông 2014

Hội Ngộ Truyền Thông 2014

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

THỨ HAI Tuần X Mùa Thường Niên Năm II

THỨ HAI Tuần X Mùa Thường Niên Năm II
Lễ Thánh Barnaba Tông Đồ

BÀI ĐỌC I: Cv 11, 21b-26; 13, 1-3
"Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đệ lần đầu tiên nhận tên là "Kitô hữu".
Bấy giờ trong hội thánh Antiôkia có những tiên tri và tiến sĩ, trong số đó có Barnaba, Simon cũng gọi là Nigê, Luxiô người thành Xyrênê, Manahê bạn của vua Hêrôđê lúc còn thư ấu, và Saolô.
Đang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông rằng: "Hãy để riêng Saolô và Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định". Vậy sau khi ăn chay cầu nguyện, họ đặt tay trên hai ông và tiễn đưa hai ông lên đường.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3a. 3cd-4. 5-6
Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ trước mặt chư dân (c. 2a).
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng. Tay mặt Người đã đem lại toàn thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Đáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành đối nhà Israel. - Đáp.
3) Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng tôi. Toàn thể địa cầu hãy hân hoan mừng Chúa, hãy vui mừng hoan lạc và đàn ca. - Đáp.

4) Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm thụ, với đàn cầm thụ, với nhạc cụ râm ran: Hãy thổi sáo và rúc tù và, hân hoan trước thánh nhan Chúa là Vua. - Đáp.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! - Chúng con ca ngợi Thiên Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa; lạy Chúa, ca đoàn vinh quang của các Tông đồ ca ngợi Chúa. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 10, 7-13
"Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy đi rao giảng rằng: Nước Trời đã gần đến. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ: Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.
"Các con chớ mang vàng, bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc: vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở nơi đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi.
"Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: 'Bình an cho nhà này'. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì sự bình an của các con sẽ trở về với các con".
Đó là lời Chúa.

Suy niệm:
Bài Tin Mừng dành cho ngày Lễ Thánh Banaba tông đồ hôm nay nói về chủ đề sai đi và  đón tiếp các nhà truyền giáo. Đây gồm một loạt bài giảng về sứ mệnh truyền giáo với những vấn đề mà các vị truyền giáo sẽ gặp trên lề đường loan báo Tin Mừng. Đầu chương 10 thánh sử Matthêu thuật lại tên 12 tông đồ, là những người được Chúa Giêsu sai đi rao giảng cùng với những quyền lực trên bệnh tật và các thần ô uế.

Mở đầu chỉ thị, Chúa Giêsu nói rõ: Đừng đi về phía dân ngoại… mà hãy đến với các chiên lạc nhà Israel (c.6) Nghe câu này, chắc hẳn chúng ta cảm thấy khó chịu vì có sự chia bè, riêng tư. Nhưng vì Tin Mừng của Thánh Matthêu viết cho những người Do Thái sống trong vùng Xyria Palestine. Hơn nữa, có lẽ Thánh sử muốn nói về  “chiên lạc” trong Israel, một dân tự hào là dân riêng, dân “thuần chủng” về đạo lý Thiên Chúa, nhưng hãy coi chừng vì vẫn có những chiên lạc...

Hãy rao giảng : Nước Trời đã đến gần (c. 7): lời rao giảng này như hối thúc mọi “chiên lạc” hãy  mau kịp trở về,  như không còn thời gian chờ đợi lâu hơn nữa “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, cho kẻ chết sống lại, người phong hủi được sạch bệnh và xua trứ ma quỉ” (c. 8).

Đây là dấu hiệu của Nước Trời hiện diện và cũng là quyền năng của Thiên Chúa thống trị trên mọi sự dữ, đau khổ chết chóc và ma quỉ. Đây không phải là do sự đạo đức hoặc công trạng của vị truyền giáo, nhưng đó là ân huệ Thánh Thần, là ơn riêng Thiên Chúa ban cho những người mà Ngài sai đi:

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không” vị truyền giáo chỉ là người quản lý ân huệ của Thiên Chúa và người quản lý tốt biết phân phát cho mọi người tuỳ theo nhu cầu phân phát một cách vô vị lợi mà không mong đáp trả vì mọi sự chúng ta nhận được là do tình thương của Thiên Chúa. Điều này trên thực tế, chúng ta dễ quên nên đòi hỏi phải được điều này, điều kia. 
Khi giúp ai điều gì, chúng ta luôn mong “hòn đất ném đi hòn chì ném lại” hoặc “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Hoặc có khi chúng ta không mong đáp đền nhưng lại đòi buộc người kia phải ghi lòng tạc dạ công lao của chúng ta. Vì thế, công cuộc truyền giáo của chúng ta bị trì trệ hoặc chẳng phát triển là bao. 
Số người theo đạo chỉ vì hôn nhân, chứ thực lòng họ yêu mến và tin tưởng Thiên Chúa thì được mấy ai, nên sau đó có người đã “con lấy được vợ con thôi nhà thờ”.

Trong câu 9 và câu 10, Chúa Giêsu căn dặn các vị truyền giáo thật rõ về việc không dính bén của cải hoặc quá lo cho bản thân mà làm sai lệch ý nghĩa của người truyền giáo. Và Ngài khẳng định: Thợ thì đáng được nuôi ăn, như để trấn an và khuyên bảo các nhà truyền giáo hãy tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa quan phòng.

Sứ giả của Chúa cần mang dáng dấp của người lữ hành, không có phương tiện tự vệ và tuỳ cơ ứng biến trong mọi hoàn cảnh. Nhiều khi chúng ta thường nại vào câu nói “thợ đáng được nuôi ăn” mà chúng ta nhận rất nhiều của cải, tiền bạc, phương tiện... vì cho rằng: để phục vụ Tin Mừng. Thậm chí chúng ta còn đòi buộc người khác phải biết ơn, cung phụng cho chúng ta chỉ vì chúng ta là người của Chúa. Như thế chúng ta đã làm lu mờ, thậm chí bóp méo khuôn mặt phục vụ vô vị lợi của Thầy Chí Thánh “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10, 45).

Ba câu cuối của bài Tin Mừng nói về cách tiếp đón sứ giả của Thiên Chúa. Để giúp người khác đón nhận sứ điệp Nước Trời, sứ giả không ngần ngại chọn lấy những gia đình có lòng mến khách để rao giảng Tin Mừng cho họ. Từ đó, lệnh truyền giảng này mới bén rễ sâu và lan rộng cho những người xung quanh. Câu 12 nói lên cách chào hỏi của sứ giả đối với gia chủ theo lối đông phương: chúc bình an.

Sự bình an của Nước Trời sẽ được ban cho hoặc bị lấy đi do thái độ đón nhận hay từ chối của người nghe. Họ xứng đáng lãnh nhận ơn bình an là do thái độ tiếp đón ân cần, niềm nở của họ đối với sứ giả. Câu 13 như một lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng đối với thái độ không xứng đáng của người nghe Lời Chúa và tiếp đón sứ giả.

Lạy Chúa, khi đọc bài Tin Mừng này, chúng con xét lại phẩm chất của người Kitô hữu chúng con, nhất là chức vụ ngôn sứ khi chúng con lãnh nhận "Bí Tích Rửa Tội" chúng con đã nói Lời Chúa như thế nào? Chúng con đã sống Lời Chúa ra sao? Chúng con đã khiến cho bao người không nhận ra khuôn mặt Tình Yêu, phục vụ của Chúa trong cách cư xử, hành vi của chúng con.                   

Lạy Chúa, chúng con thực lòng thống hối, xin Chúa lượng tình tha thứ và ban ơn trợ giúp để chúng con dám “ bắt đầu lại” cuộc sống xứng đáng là sứ giả của Chúa.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét